Bất động sản 23/10/2014 23:25

Bộ Xây dựng vẫn kiên trì với đề xuất "mở rộng cửa" cho người nước ngoài mua nhà

FICA - Bộ cho rằng, quy định như dự thảo Luật không chỉ nhằm thu hút vốn của nước ngoài vào Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển.

Sáng nay (ngày 24/10), Quốc hội sẽ thảo luận về 2 dự thảo luật là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, vấn đề mua và sở hữu nhà ở và các quy định, điều kiện kinh doanh của tổ chức, cá nhân người nước ngoài đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội.

Vẫn đề xuất "mở cửa" cho người nước ngoài mua nhà

Về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Bộ Xây dựng cho biết, qua thảo luận, hầu hết ý kiến Đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định của dự thảo Luật về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn về thời hạn cư trú tại Việt Nam cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà ở tại Việt  Nam.

Về vấn đề này, Cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy, quy định cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thi hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Quy định như dự thảo Luật không chỉ nhằm thu hút vốn của nước ngoài vào Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển.

Bộ Xây dựng cho rằng, với quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở như hạn chế về số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư cũng như số lượng nhà ở riêng lẻ trong một khu vực dân cư, không mua nhà ở những khu vực cần bảo đảm quốc phòng an ninh... thì không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước và vấn đề quốc phòng, an ninh vẫn được bảo đảm.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ hơn, trên cơ sở ý kiến Đại biểu Quốc hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể về số lượng được mua bán căn hộ chung cư trong trường hợp một khu vực dân cư có nhiều tòa nhà chung cư, quy định chặt chẽ phương thức thanh toán để phòng, chống việc đầu cơ, rửa tiền, cụ thể là việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.

Muốn kinh doanh bất động sản phải lập doanh nghiệp


Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nhắc tới các vấn đề về phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đó, có ý kiến cho rằng quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trong các dự án bất động sản của các chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua là không phù hợp với quy định của Luật đất đai.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, sẽ tiếp thu theo hướng thay cụm từ “tổ chức, cá nhân nước ngoài” thành “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Như vậy, nếu muốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất để xây dựng nhà, công trình để bán, cho thuê, cho thuê mua thì tổ chức và cá nhân bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Đồng thời quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản nhưng không được nhận chuyển nhượng trực tiếp quyền sử dụng đất mà phải thực hiện thông qua việc Nhà nước thu hồi đất của chủ đầu tư cần chuyển nhượng dự án và giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án bất động sản cho phù hợp với Luật đất đai.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài kinh doanh bất động sản tại khu vực biên giới, hải đảo, tránh tạo thành đặc khu của người nước ngoài.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, Dự án Luật quy định tổ chức, cá nhân chỉ được phép kinh doanh bất động sản ngoài các khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh và phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. 

Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư nghĩa trang 

Báo cáo từ Bộ Xây dựng cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cần quy định trường hợp nhà đầu tư có đất thì có quyền đầu tư xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa hoặc có quyền cho thuê để xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa kinh doanh.

Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, Dự án Luật không có quy định cấm các nhà đầu tư xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa để cho thuê hoặc cho người khác kinh doanh nhưng việc đầu tư dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa phải đúng mục đích sử dụng đất và phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 

Được xây nhà cho thuê mua

Có ý kiến cho rằng quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền đầu tư xây dựng nhà ở trên đất được Nhà nước giao để cho thuê mua là không phù hợp với quy định của Luật đất đai.

Tuy nhiên, Cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ Xây dựng cho rằng, Luật đất đai năm 2013 đã quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất để thực hiện dự án nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê, nhưng không có quy định cấm cho thuê mua. Bản chất của hình thức cho thuê mua là sự kết hợp giữa hình thức thuê và mua. Do đó Cơ quan chủ trì soạn thảo xin đề nghị giữ quy định như trong dự án Luật.

Về đề nghị không quy định phân biệt về phạm vi kinh doanh giữa tổ chức, cá nhân trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Cơ quan chủ trì soạn thảo khẳng định, kinh doanh bất động sản luôn gắn liền với quyền sử dụng đất và Luật đất đai năm 2013 đã có quy định phân biệt quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, để bảo đảm phù hợp với Luật đất đai năm 2013, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin đề nghị giữ quy định như trong dự án Luật.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *