Bất động sản 21/03/2014 16:30

Bộ Xây dựng đề nghị dừng cấp phép khu đô thị mới

Bộ này cũng đề nghị không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại trong năm 2014.

Trước thực trạng thị trường bất động sản vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa có đề nghị lên Chính phủ về một số giải pháp hỗ trợ gỡ khó cho thị trường.

Trong đó, Bộ trưởng Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương cần khẩn trương, nghiêm túc rà soát các dự án phát triển bất động sản trên địa bàn để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, những dự án cần phải điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và “kiên quyết tạm dừng, dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như nhu cầu của địa phương”.

 

Bộ Xây dựng đề nghị không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại năm 2014

Đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương, Bộ trưởng Xây dựng đề nghị tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép Chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh tạm (chuyển mục đích tạm thời: bãi đỗ xe, kho tàng...) không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

 
Đặc biệt, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương “không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014. Trường hợp đặc biệt, các địa phương phải thống nhất với Bộ Xây dựng và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ”.

 

Đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nhà ở thương mại có nhu cầu điều chỉnh cơ cấu căn hộ, hoặc chuyển sang xây dựng nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở.

 

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã qua phân loại được đưa vào diện tiếp tục triển khai mà chủ đầu tư hiện đang nợ tiền sử dụng đất, chưa thực hiện kinh doanh (chưa bán hoặc chưa huy động vốn) nhưng giá thị trường hiện tại thấp hơn suất đầu tư (bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, chi phí đầu tư công trình, tiền sử dụng đất) thì được phép tính lại tiền sử dụng đất phải nộp theo mặt bằng giá thị trường hiện nay và không phải nộp phạt do chậm nộp tiền sử dụng đất.

 

Sở dĩ Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung liên quan nêu trên vì theo Bộ trưởng, từ đầu năm nay, thị trường bất động sản có xu hướng ấm dần lên, nhưng còn nhiều khó khăn như: hàng tồn kho lớn, dự án xa trung tâm, thiếu hạ tầng đồng bộ vẫn không bán được hàng, giá cả bất động sản vẫn ở mức cao so với thu nhập của người dân.

Các doanh nghiệp đầu tư vẫn rất khó khăn về vốn vì lãi suất vẫn còn khá cao và khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng khi chưa trả được nợ cũ. Nhiều dự án đang xây dựng dở dang do người mua nhà không nộp tiền tiếp, nên cũng rất khó khăn về vốn để tiếp tục triển khai....

Theo Xuân Thân

VOV

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *