Bất động sản 29/09/2014 14:09

Bộ trưởng nói gì về tình trạng khiếu kiện đất đai vượt cấp, dai dẳng?

FICA - Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng 61% đơn thư gửi đến Bộ là đơn trùng do công dân gửi nhiều lần, nhiều nơi khác nhau; 80% đơn khiếu nại vượt cấp;

Báo cáo tại phiên trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay (29/9), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã giảm dần qua các năm. Trung bình những năm gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được khoảng 4.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo (giảm so với những năm trước 9.000-10.000 đơn mỗi năm); 98% lượng đơn thư thuộc lĩnh vực đất đai.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là có khoảng 61% đơn thư gửi đến Bộ là đơn trùng do công dân gửi nhiều lần, nhiều nơi khác nhau; 80% đơn khiếu nại vượt cấp; chỉ khoảng 2% vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.


Theo Bộ trưởng, do nhiều nguyên nhân, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn ra gay gắt, tính chất phức tạp; vẫn còn nhiều vụ việc đông người, kéo dài nhiều năm như: khiếu nại, tố cáo của các hộ dân có đất thu hồi để thực hiện dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), dự án của Tập đoàn Vinashin (xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), khiếu nại của các hộ dân phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP. Hà Nội; khiếu nại, tố cáo của các hộ dân xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội…

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, có một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo người đi khiếu nại, thậm chí là có hành vi quá khích, gây rối, tập trung đông người làm mất trật tự tại trụ sở cơ quan Trung ương, đưa thông tin lên các trang tin điện tử với nội dung không đúng bản chất vụ việc, nhất là trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội, Trung ương...

Khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực đất đai do một số nguyên nhân chính như: Việc sử dụng đất thiếu ổn định (do thực hiện chính sách đất đai; do cho thuê, cho mượn, cầm cố đất, cho ở nhờ, ở đậu...); Chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi bất cập, trong thời gian ngắn có nhiều văn bản được ban hành gây lúng túng trong việc tổ chức thực hiện; việc văn bản được ban hành sau lại quy định theo hướng có lợi hơn cho người sử dụng đất gây ra sự so bì, cố tình không bàn giao đất và nhận tiền bồi thường để khiếu nại, yêu cầu được áp dụng chính sách mới;

Bên cạnh đó, còn do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều bất cập, nhất là trong việc định giá đất bồi thường, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giải quyết khiếu nại, tố cáo một số nơi còn thiếu quyết liệt, nhận thức về pháp luật và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ còn yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc chưa quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại, thậm chí có động cơ không trong sáng nên giải quyết vụ việc chưa khách quan, chính xác, kịp thời;

Một số khiếu nại, tố cáo khi giải quyết còn có ý kiến thiếu sự nhất quán, công dân dựa vào ý kiến khác nhau đó để khiếu kiện gay gắt, kéo dài; tình trạng chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo lòng vòng giữa các cơ quan nhà nước cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại kéo dài;

Nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhìn chung còn nhiều hạn chế; nhiều trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành; một số trường hợp bị kích động hoặc lợi dụng việc khiếu kiện để kích động khiếu nại đông người, gây sức ép đối với cơ quan Nhà nước trong khi đó việc xử lý lại không nghiêm.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong giải quyết khiếu nại, tranh chấp, một số địa phương chưa xem xét, đánh giá đầy đủ khía cạnh pháp lý và thực tế vụ việc, chưa quan tâm đến công tác hòa giải; nhiều vụ việc đã được rà soát, thống nhất phương án giải quyết với Bộ nhưng địa phương chậm tổ chức đối thoại hoặc chậm tổ chức thi hành nên công dân tiếp tục gửi đơn; một số vụ việc phức tạp, đông người, tồn đọng kéo dài chưa được người đứng đầu, người có quyền quyết định đối thoại trực tiếp nên chưa có biện pháp giải quyết hợp tình, hợp lý để chấm dứt được khiếu nại (Qua giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền và rà soát, giải quyết vụ việc tồn đọng, kéo dài, Bộ đã tổ chức hòa giải thành công một số vụ việc kéo dài từ nhiều năm).

Việc quy định Thủ trưởng cấp trên thụ lý, giải quyết khiếu nại đối với trường hợp cấp dưới đã thụ lý nhưng để quá thời hạn chưa giải quyết (Điều 7, Điều 33 của Luật Khiếu nại); tổ chức đối thoại của người giải quyết khiếu nại lần hai (Điều 39 của Luật Khiếu nại) khó thực hiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Nhiều vụ việc đã được các cơ quan chức năng giải quyết hết thẩm quyền, đúng pháp luật, có trường hợp đã rà soát nhiều lần để có hướng giải quyết có lý, có tình, được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo chấm dứt xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn đến nhiều cơ quan, cả cơ quan Đảng và Quốc hội, nhiều trường hợp công dân giấu thông tin để được các cơ quan này chuyển đơn, dẫn đến nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo không có điểm dừng.

ên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật, có tâm lý ngại khởi kiện ra cơ quan Tòa án; thậm chí lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kéo dài thời gian, không chấp hành quyết định hành chính, có trường hợp cố tình gây rối, coi thường pháp luật và chống đối cán bộ, người có thẩm quyền.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *