Bất động sản 19/02/2014 15:57

Bộ GTVT "toan tính" gì khi đề xuất 3 phương án "cứu" cầu Long Biên?

FICA - Theo KTS Nguyễn Nga, Chính phủ Pháp đã đề xuất tài trợ 60 triệu euro để cải tạo nguyên trạng cây cầu Long Biên thành di tích văn hóa – lịch sử của Hà Nội từ 10 năm nay nhưng Bộ GTVT chỉ muốn sử dụng cầu Long Biên như môt cầy cầu giao thông công dụng.

Cầu Long Biên nhìn từ bãi giữa Sông Hồng.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã có văn bản lấy ý kiến các bộ liên quan và UBND thành phố Hà Nội về 3 phương án xây mới và di dời cầu Long Biên. Trao đổi với báo giới về vấn đề này, bà Nguyễn Nga - KTS quy hoạch đô thị, Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư, bảo tồn phát triển cầu Long Biên cho biết, phương án tháo dỡ cầu Long Biên để thay thế bằng một cây cầu mới "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" đã được Bộ GTVT đề xuất từ cách đây nhiều năm.

Theo bà Nga, Chính phủ Pháp đã đề xuất tài trợ 60 triệu euro để cải tạo nguyên trạng cây cầu Long Biên thành di tích văn hóa – lịch sử của Hà Nội từ 10 năm nay nhưng Bộ GTVT chỉ muốn sử dụng cầu Long Biên như môt cầy cầu giao thông công dụng và cũng có ý kiến cho rằng 60 triệu euro (tương đương 1.800 tỷ đồng) chỉ đủ để cải tạo theo cách làm quốc tế chứ không đủ để cải tạo theo cách làm của Việt Nam . Vì thế phía Việt Nam đã bỏ qua đề xuất của Chính phủ Pháp.

Bà cho rằng, Bộ GTVT hiện đã có được nguồn ODA Nhật để xây dựng mới cây cầu đường sắt ở cách cầu Long Biên 186m về phía thượng lưu sông Hồng. Theo đó, có lẽ Bộ GTVT muốn tháo dỡ cầu Long Biên để sử dụng chính trục cầu cũ cho việc xây cầu mới, tránh phải chi khoản kinh phí giải tỏa mặt bằng để chi vào việc khác?

 Cau Long Bien & Cau duong sat moi Nhat Tan

“Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ không để tuyến đường sắt chạy qua cầu Long Biên trong nay mai, mà sẽ di dời cách cầu Long Biên chừng 200 mét, bắt đầu từ phố Hàng Than rồi bắc qua sông Hồng.” – Tuyên bố của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo với ông Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier , ngày 28/11/2012.


Về phương án bảo tồn, tôn tạo và phát triển cây cầu huyền thoại lịch sử này, bà cho rằng, theo đúng cách làm của thế giới và cũng là phương án bà từng đề xuất từ mấy năm nay, cần phải giữ nguyên 9 nhịp cầu nguyên thủy và cải tạo theo phương pháp cũ đinh tán ri-vê để triển lãm 2 đầu tàu hơi nước anh hùng, những toa xe tàu cũ thành các quán café và nhà hàng, được đặt trên một nền kính trong veo để thấy được tất cả mố trụ cầu cũ, đường ray xe lửa cũ cũng như sông Hồng chảy bên dưới.

Đồng thời, đúc mới 10 nhịp cầu đã bị phá bởi chiến tranh để hoàn chỉnh cây cầu về thiết kế nguyên bản năm 1902. Trên 10 nhịp cầu mới sẽ tổ chức 1 cuộc thi Quốc tế về ý tưởng kiến trúc để thực hiện một Bảo tàng Ký ức Cầu Long Biên là Ký ức của cả thế kỷ XX mà trong đó, Việt Nam đã thay đổi cục diện của thế giới qua 3 cuộc kháng chiến thần thánh: chấm dứt chế độ thực dân Pháp, chấm dứt chiến tranh bành trướng của Đế quốc Mỹ và chấm dứt cuộc xâm lược từ phương Bắc. Bảo tàng này đề xuất được thực hiện bằng kính dựa trên khung thép của cầu Long Biên nguyên thủy và dùng năng lượng Xanh từ mặt trời, từ gió và dòng sông.

Bà Nga khẳng định, để hiện thực hóa dự án này, kinh phí sẽ không quá 2.500 tỷ đồng và đang được triển khai để sử dụng nguồn vốn ODA Chính phủ Pháp hoặc từ Tổ hợp Đầu tư Pháp – Việt ; hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện tối đa là 3 năm và có thể bắt đầu cải tạo ngay cả khi tàu hỏa và xe máy chưa được chuyển sang cầu khác.

Bên cạnh đó, dự án Bảo tàng Ký ức cầu Long Biên sẽ là điểm đến của Du lịch Thế giới. Dự án sẽ tạo ra hàng trăm gói dịch vụ và hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân thủ đô Hà Nội và mang hình ảnh Việt Nam – một dân tộc anh hùng ra hội nhập với thế giới.

"Cầu Long Biên đã xuống cấp trầm trọng ở mức báo động từ sau năm 2010, có nguy cơ sập xuống bất cứ lúc nào. Việc cải tạo là đương nhiên và cấp bách. Kinh phí cũng như công nghệ đã sẵn sàng để tránh sự sụp đổ gây tai nạn lớn trên sông Hồng. Chỉ cần sự tỉnh thức của toàn dân vì quyền lợi của dân tộc chứ không phải quyền lợi của một nhóm", bà chia sẻ.

Cũng theo vị kiến trúc sư này, 3 phương án đưa ra của Bộ GTVT sử dụng hình ảnh của dự án “Bảo tồn, Cải tạo, Phát triển Cầu Long Biên và khu vực liên quan, trung tâm thủ đô Hà Nội” của bà, đều đi ngược với ý tưởng bảo tồn của dự án. Theo đó, bảo tồn 9 nhịp cầu phải ở nguyên trên cầu, không thể di dời xuống bãi giữa; Bảo tồn không có nghĩa là xây mới, nhái lại hình dáng cũ; Bảo tồn không có nghĩa là chắp vá hình dáng và công năng, nửa cũ nửa mới.

"Chúng ta tự hỏi sự toan tính nào khiến cho Bộ GTVT đưa ra những phương án cực kỳ tốn kém và phức tạp để xóa đi ký ức hào hùng của cả một dân tộc?", bà nói thêm.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *