Bất động sản 18/06/2019 07:26

Bình Thuận "tuýt còi" thêm 4 dự án bất động sản lớn, yêu cầu ngừng giao dịch

Sở Xây Dựng tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản yêu cầu chủ đầu của 4 dự án bất động sản tại thành phố Phan Thiết ngừng giao dịch vì chưa đủ điều kiện đưa bất động sản vào giao dịch, kinh doanh theo quy định.

Bình Thuận tuýt còi thêm 4 dự án bất động sản lớn, yêu cầu ngừng giao dịch - 1

Hàng loạt dự án nghỉ ở Bình Thuận chưa đủ điều kiện giao dịch.

Theo văn bản do Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận ký, 4 dự án bị yêu cầu ngừng giao dịch do chưa đủ điều kiện bao gồm: dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam; khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 tại phường Phú Hài của CTCP Tân Việt Phát; khu dân cư Nam Cảng cá phường Đức Long của CTCP Xây lắp thủy sản Việt Nam; dự án Sentosa Villa tại phường Mũi Né của Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn.

Trong 4 dự án trên, chỉ có dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 được Sở Xây dựng cấp phép, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng hạ tầng; các dự án còn lại chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, hiện nay đã xuất hiện thông tin chủ đầu tư và đơn vị phân phối thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua, trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan.

Trước đó, Bình Thuận cũng yêu cầu 9 dự án bất động sản trên địa bản tỉnh ngừng giao dịch với cùng lý do trên.

Điển hình là ngày 14/5, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã ra thông báo yêu cầu Công ty Hưng Lộc Phát Phan Thiết không thực hiện hoặc ký kết hợp đồng với đơn vị môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoặc vận dụng các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí; đăng tải trên mạng internet các nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch bất động sản tại Dự án Khu đô thị dịch vụ du lịch Mũi Né Summer Land, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết khi chưa đủ điều kiện giao dịch.

Cũng cùng nội dung tương tự, Sở Xây dựng Bình Thuận đã ban hành loạt văn bản chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản tại dự án Goldsand Hill Villa phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết của Công ty TNHH Lộc Tú; dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị (Hamubay Phan Thiết) phường Đức Long, thành phố Phan Thiết của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải; dự án Khu liên hợp hồ điều hoà, chỉnh trang đô thị và dịch vụ - thương mại Hưng Long (Ocean Light Center), phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Huy Hoàng; dự án dự án Khu dân cư HTV.BT- Phan Rí Cửa - huyện Tuy Phong; dự án Khu dân cư nông thôn Hàm Thắng - Hàm Liêm (giai đoạn 2), huyện Hàm Thuận Bắc của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và dịch vụ VINAM; dự án Khu dân cư nông thôn Hàm Thắng - Hàm Liêm (giai đoạn 2), huyện Hàm Thuận Bắc của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nguyên Bình.

Theo Sở Xây dựng Bình Thuận, việc ban hành các văn bản chấn chỉnh tình trạng giao dịch mua bán và chuyển nhượng bất động sản tại dự án sẽ góp phần làm cho thị trường bất động sản của tỉnh phát triển lành mạnh, bền vững, giảm thiểu phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.

Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có năng lực, uy tín trong việc thực hiện dự án đầu tư, giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh cũng như việc vi phạm pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia thị trường bất động sản.

Được biết, trong năm 2019, Sở Xây dựng Bình Thuận sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong một Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, Bình Thuận thừa nhận, thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn còn tồn tại, hạn chế, bất cập. Cụ thể, việc lập, thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của cấp huyện còn chậm; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh đó, một số địa phương có biểu hiện tùy tiện, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng cho phép các cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn với diện tích lớn nhưng không thẩm định điều kiện, nhu cầu sử dụng đất, không căn cứ theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt; tình trạng lấn chiếm đất công, sang nhượng đầu cơ tăng giá trục lợi gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Đồng thời, việc lập thủ tục hợp thửa, tách thửa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô để kinh doanh bất động sản diễn ra phức tạp, xây dựng hạ tầng hình thành các điểm dân cư hoặc khu dân cư mới không theo quy định và bảo đảm quy chuẩn xây dựng; xác định ví trị đất nông nghiệp trước khi chuyển mục đích để thu tiền sử dụng đất không đúng quy định, làm thất thu Ngân sách Nhà nước.

Với loạt hạn chế trên đã làm phá vỡ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, đô thị của địa phương, gây bức xúc và tạo dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.

Phương Dung

Bình Thuận tuýt còi thêm 4 dự án bất động sản lớn, yêu cầu ngừng giao dịch - 2

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *