Bất động sản 10/12/2013 14:00

Bất động sản TPHCM vẫn còn khó

FICA - Theo báo cáo của UBND TP.HCM tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM sáng 9-12, tính đến nay, TP.HCM còn tồn kho 10.053 căn hộ với giá trị 17.600 tỉ đồng.

Theo báo cáo này, tính đến nay, hiện thành phố đang tồn kho khoảng 10.053 căn hộ chung cư và 120,8ha đất nền nhà thấp tầng.

Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.386 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích 11.770,71ha; tổng số 496.272 căn trong đó có 85 dự bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, 689 dự án đang ngừng triển khai đầu tư xây dựng. Ngoài ra, còn có nhiều dự án có sản phẩm hoàn chỉnh nhưng không bán được, hàng tồn cao.

Đến nay, thành phố đã nhận được 26 hồ sơ đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ. TPHCM cũng đã có 10 dự án chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội, số lượng căn hộ xin chuyển sang làm nhà ở xã hội là 9.052 căn, tổng mức đầu tư khoảng 6.769 tỉ đồng. Đã có 179 khách hàng cá nhân tiếp cận vay vốn từ chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở

Theo UBND TPHCM, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay là do cơ chế chính sách, như tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ để ổn định nền kinh tế vĩ mô; thủ tục hành chính về nhà ở, quy hoạch, đất đai, tài chính còn rườm rà, phức tạp, làm cho quá trình chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất chiếm từ 20-40% cơ cấu giá thành và ngày càng có khuynh hướng gia tăng.

Trong khi đó, việc đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Vì vậy, khi thị trường bất động sản đóng băng, ngân hàng hạn chế cho vay hoặc cho vay lãi suất cao, hầu hết các chủ đầu tư dự án không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia thị trường nhưng quy mô nhỏ, hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp, đầu tư dàn trải, thiếu định hướng phát triển và chiến lược kinh doanh... từ đó làm thị trường mất cân đối và phát triển không ổn định; nhiều công ty tham gia thị trường chưa có ý thức giữ gìn thương hiệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hệ quả của tăng trưởng nóng và tình trạng đầu cơ của các nhà đầu tư trong giai đoạn 2006 - 2007 cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp khắc phục một cách hiệu quả. Ngoài ra, số đông người mua nhà đều có thu nhập thấp và trung bình, khả năng thanh toán có hạn nhưng trên thị trường lại chưa có nhiều loại hình căn hộ có giá cả phù hợp với khả năng thanh toán. Hiện cũng chưa có chính sách và cơ chế tài chính tín dụng hỗ trợ cho người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp đô thị để tạo lập nhà ở.

Do đó, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ kiện toàn khung pháp lý cho thị trường bất động sản; hoàn thiện công cụ tài chính bất động sản (tài chính đất đai, thuế, tài chính – tín dụng); cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch thị trường bất động sản; cho phép thế chấp bất động sản ở ngân hàng nước ngoài; mở rộng hơn việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Riêng với loại hình nhà ở xã hội, TPHCM kiến nghị Chính phủ cũng cần ban hành Nghị định về quản lý và phát triển nhà ở xã hội; điều tiết hiệu quả 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội; miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chuyển nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội; duy trì chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án nhà lưu trú công nhân; miễn tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp đối với khu đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân; cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sử dụng quyền sử dụng đất của dự án để thế chấp hoặc sử dụng chính dự án để thế chấp vay vốn đầu tư xây dựng.

Đối với nhóm dự án đang thi công thi công dở dang nhưng ngừng triển khai đầu tư xây dựng (55 dự án), nhóm dự án đang triển khai đầu tư xây dựng nhưng chậm tiến độ (184 dự án), thành phố sẽ tạo điều kiện, xem xét cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; điều chỉnh cơ cấu căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ có diện tích nhỏ nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Đối với nhóm dự án đã xây dựng hoàn thành nhưng còn tồn kho (37 dự án), thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng đã mua nhà ở trong các dự án; công bố danh sách các dự án nhà ở thương mại có căn hộ với diện tích nhỏ hơn 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 để kết nối với các đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà và các ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn theo quy định.

Cao Minh

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *