Dòng chảy vốn 31/03/2014 08:44

Mỗi lần tăng giá điện, dân đều không hiểu vì sao?!

FICA – Trong một thị trường điện thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh, theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam Bùi Huy Phùng, dù Chính phủ cho phép mấy tháng điều chỉnh 1 lần nhưng người dân vẫn không hiểu vì sao phải tăng giá.

PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam (VEA).

20 năm thực hiện mới có một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh

Đánh giá về phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Hội thảo “Phát triển thị trường Năng lượng Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, lộ trình phải trải qua 3 cấp độ từ năm 2005 đến 2023 là quá dài, cứng nhắc, các cấp độ thực hiện không có sự đan xen lẫn nhau, phải xong cấp độ này mới chuyển sang cấp độ khác.

Như vậy, phải sau gần 20 năm thực hiện, đến năm 2023 Việt Nam mới có được thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Theo phân tích của ông Duệ, thực chất đây được xem là một dự án đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong ngành điện nhằm chuyển đổi từ cơ chế hoạt động độc quyền lạc hậu kém hiệu quả sang cơ chế thị trường cạnh tranh hiện đại.

“Đành rằng, hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh ở nước ta là phức tạp và mới mẻ, tuy nhiên nếu không có giải pháp khẩn trương, quyết liệt thì những hậu quả xấu của cơ chế độc quyền vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, sẽ gây nên những tổn thất khôn lường cho ngành điện và nền kinh tế” – ông Duệ lo ngại.

Lãnh đạo VEA cũng kiến nghị Chính phủ, cần tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam như lời Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Thị trường điện cạnh tranh phải rút nhanh hơn lộ trình đã công bố”.

Ông cũng “mổ xẻ” thêm rằng, việc quản lý hoạt động thị trường điện của Nhà nước mà chủ yếu là Bộ Công Thương hãy còn hạn chế về việc xây dựng mô hình, tổ chức, cơ chế hoạt động và giao dịch giữa các đối tượng mua bán điện trên thị trường.

Theo đó, sau gần 10 năm nghiên cứu và thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh vẫn chưa có mô hình đúng theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh: hiệu quả, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực.

Hiện tại, EVN là đơn vị chiếm phần chi phối lớn nhất trong khâu phát điện; Công ty mua bán điện, đơn vị vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường đều thuộc EVN. Trong điều 19 của Luật Điện lực quy định phải có: đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, chịu trách nhiệm điều hoà, phối hợp hoạt động giao dịch mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện lực. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đơn vị này, còn giao cho EVN điều hành.

Không minh bạch, không thể có kinh tế thị trường!

Chủ tịch VEA - PGS.TS. Bùi Huy Phùng thì góp ý thẳng thắn, giá điện hiện nay, cho dù Chính phủ cho phép mấy tháng điều chỉnh 1 lần nhưng người dân vẫn không hiểu vì sao phải tăng giá.

“Rõ ràng không hướng đến minh bạch, không có thị trường được” – TS khẳng định, “Kinh tế thị trường vắng bóng người tiêu dùng, vắng bóng cách xác định giá một cách minh bạch thì khó thành thị trường đúng nghĩa”.

PGS.TS. Bùi Huy Phùng.

Cũng tại hội thảo này, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành góp ý, riêng trong ngành điện, tuy là độc quyền tự nhiên nhưng vẫn phải cố gằng chia nhỏ trong lĩnh vực truyền tải, phân phối… mới có thể tạo ra được cạnh tranh ngành.

Trong khi đó, cấu trúc của thị trường năng lượng của Việt Nam cơ bản là của doanh nghiệp nhà nước, có truyền thống và lịch sử, nặng tư duy nhà nước, đây cũng là đặc thù rất Việt Nam, nên khi xử lý cũng rất phức tạp, ông Thành nhận xét.

Ngoài ra, theo ông, khi nhìn vào cầu thì Việt Nam đang lãng phí nhất nhì thế giới: Cứ 1 GDP thì mật độ năng lượng của Việt Nam gấp đôi Thái Lan, gấp 3 Nhật Bản. Nếu tiết kiệm được 1% thôi cũng đã rất khác.

Trợ lý Chủ tịch nước, ông Nguyễn Văn Thạo thì cho rằng, phát triển thị trường năng lượng theo đúng cơ chế thị trường đang là vấn đề lớn, bức xúc và rất cấp bách hiện nay. Sau 30 năm đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường, tuy đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc, mà nguyên nhân là do chuyển sang cơ chế thị trường không đầy đủ, triệt để.

“Hiện nay, dân kêu giá than, điện, xăng dầu tăng cao là không có căn cứ. Còn doanh nghiệp vẫn kêu làm đủ mọi thứ mà không được bán theo giá thành, kinh doanh lỗ. Ai kêu cũng có lý, nhưng không có chuẩn mực nào đầy đủ cho nên cuối cùng đất nước chịu thiệt, cản trở sự phát triển của đất nước” ông Thạo nhận xét.

Theo ông, trên thực tế, nguyên lý kinh tế thị trường không phải là vấn đề gì cao siêu lắm, để làm được điều đó phải chống độc quyền, tự do cạnh tranh bình đẳng, giá cả là hoàn toàn do thị trường định. Nếu có đặc thù đi chăng nữa thì có điều tiết của nhà nước.

Cũng theo Trợ lý Chủ tịch nước, công cuộc cổ phần hóa đã được tiến hành từ 20 năm nay nhưng 6.000 doanh nghiệp đã thực hiện đều là những doanh nghiệp nhỏ. Lúc này là giai đoạn để các “ông lớn” thực hiện cổ phần hóa, để cơ chế quản lý có thể chặt chẽ hơn. Đây cũng là bước đi tốt để Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường cho ngành năng lượng.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *