Doanh nghiệp 27/04/2014 15:08

Đóng cửa Nhà máy Xử lý rác Hòa Phú (Vĩnh Long): Chủ đầu tư không phục

Mỗi ngày, hàng trăm tấm rác thải sinh hoạt của tỉnh Vĩnh Long được đổ lộ thiên ngay cạnh nhà máy xử lý rác thải được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng nhà máy này lại tạm thời phải đóng cửa, do chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa tìm được tiếng nói chung về giá xử lý rác và việc đánh giá chất lượng hệ thống xử lý rác.



Tấm thảm có gai cho nhà đầu tư

Theo chủ trương kêu gọi đầu tư của tỉnh Vĩnh Long, Công ty cổ phần Xây dựng - Phát triển Phương Thảo (gọi tắt là Công ty Phương Thảo) quyết định đầu tư 238 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Xử lý rác thải Hòa Phú tại huyện Long Hồ. Đến tháng 11/2011, Nhà máy đã được xây dựng hoàn thiện và lắp đặt đồng bộ dây chuyền công nghệ của Đức xử lý rác sinh hoạt thành phân compost.

Tuy nhiên, do hoàn thiện chậm 11 tháng so với dự kiến, chủ đầu tư phải chờ đàm phán lại về giá xử lý rác thải, nên đến tháng 4/2013 mới ký được hợp đồng xử lý rác với Công ty TNHH một thành viên Công trình công cộng Vĩnh Long. Khối lượng rác được xử lý theo hợp đồng này là 100 tấn/ngày, với mức giá do địa phương quy định là 240.000 đồng/tấn trong vòng 6 tháng.

Bà Liêu Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty Phương Thảo cho biết, với khối lượng rác chỉ bằng 1/5 công suất của Nhà máy và mức giá xử lý thấp, nên Nhà máy không đủ trang trải chi phí hoạt động, tháng nào Công ty Phương Thảo cũng phải bù lỗ. Để duy trì hoạt động, sau khi kết thúc hợp đồng, Công ty đã đề nghị địa phương ký hợp đồng mới, cung cấp thêm 200 tấn rác/ngày tại khu tập kết rác cũ trước khi có nhà máy để xử lý.

Theo bà Thảo, vì rác cũ đã phân hủy hết chất mùn, chỉ còn chất trơ, chất dẻo, nên chi phí xử lý tăng cao, Công ty phải đề nghị địa phương nâng đơn giá xử lý lên 320.000 đồng/tấn. “Yêu cầu nâng giá xử lý rác của Công ty Phương Thảo không có gì là quá đáng, bởi giá xử lý rác trên cả nước đã ở mức trên 300.000 đồng/tấn. Ở các tỉnh lân cận như Long An, giá xử lý 320.000 đồng/tấn, Cà Mau là 360.000 đồng/tấn...”, bà Thảo phân tích.

Trước đề nghị của Công ty Phương Thảo, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tại Nhà máy Xử lý rác thải Hòa Phú. Kết quả kiểm tra theo Quyết định 1534 của UBND tỉnh cho thấy, Công ty Phương Thảo chưa xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn quy định; qua kiểm tra, Nhà máy chưa phân loại được chất trơ, rác đầu vào chỉ được phân loại sản xuất phân compost số lượng ít, sản phẩm phụ (bọc nilon, kim loại, nhựa, sắt) và một lượng rác rất lớn để ngoài trời; lò đốt rác chưa vận hành, chưa có số liệu đo đạc, nên không có cơ sở chứng minh “chất trơ còn lại mang đi chôn lấp sẽ đạt dưới 5% như cam kết với  tỉnh”; công nghệ của Nhà máy chưa được cơ quan thẩm quyền thẩm định.

“Công ty đã có công văn giải trình rằng, Nhà máy sử dụng  công nghệ nhập khẩu mới 100% từ Đức và được vận hành đúng quy trình; nước sau xử lý không đạt là do tất cả lượng nước này sẽ được thu gom, tái sử dụng để ủ phân compost, chứ không thải ra môi trường, nên không gây ô nhiễm môi trường; dây chuyền, công nghệ trước khi đầu tư cũng đã thông qua hội đồng thẩm định của địa phương và được chấp thuận cho Công ty Phương Thảo sử dụng. Tuy nhiên, phía chính quyền địa phương vẫn yêu cầu Nhà máy ngừng hoạt động”, bà Thảo bức xúc nói.

Bất đồng chính kiến: người dân lãnh đủ

Trong thời gian nhà máy đóng cửa, hàng tháng, Công ty Phương Thảo phải chịu lãi ngân hàng hàng tỷ đồng, máy móc thiết bị để lâu không vận hành cũng bị hỏng hóc, hàng chục công nhân, kỹ sư của nhà máy thất nghiệp. Công ty Phương Thảo đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Long cho phép Nhà máy nhận xử lý rác cho địa phương lân cận là TP. Cần Thơ để giảm bớt khó khăn, song chính quyền của địa phương cũng không chấp thuận.

“Đầu tư hơn 238 tỷ đồng, trong đó 200 tỷ đồng là vốn vay, nhưng Nhà máy không hoạt động khiến Công ty lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và buộc phải gửi văn bản kêu cứu đến Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải”, bà Thảo cho biết thêm.

Trong văn bản gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Công ty Phương Thảo cho biết, Công ty không chấp nhận đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Vĩnh Long, vì nhiều cán bộ không đủ trình độ chuyên môn để đánh giá chất lượng hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ được nhập khẩu từ Đức (có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu và giám định của hải quan) của Nhà máy Xử lý rác thải Hòa Phú. Công ty đề nghị Phó thủ tướng cử các cơ quan, ban ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và đưa ra kết luận về vấn đề này.

Tại cuộc họp báo quý I/2014 do UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức ngày 15/4, trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí xung quanh dự án trên, ông Nguyễn Văn Đấu, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long - đơn vị được UBND tỉnh giao làm đầu mối quản lý dự án vẫn giữ quan điểm: “Do dây chuyền, công nghệ của nhà máy này xử lý không đạt chất lượng nên yêu cầu đóng cửa để sửa chữa, khắc phục”.

Theo ông Đấu, đến tháng 6/2014, Công ty phải hoàn thiện 6 yêu cầu: xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; xử lý hỗn hợp rác khá lớn ngoài trời (rác trơ); lập và nộp hồ sơ kiểm tra, xác định giai đoạn vận hành thử của dự án, báo cáo những nội dung thay đổi so với đăng ký ban đầu; lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại; hoàn chỉnh báo cáo đánh giá dự án lò đốt chất thải thông thường. Về đề xuất tăng giá xử lý rác, đến nay, Công ty Phương Thảo chưa gửi Sở Tài chính báo cáo giá thành thực tế xử lý 1 tấn rác cũ và rác mới để đơn vị này thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.

Trong lúc doanh nghiệp và chính quyền địa phương chưa tìm được tiếng nói chung, thì hàng trăm tấn rác thải của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục được đổ lộ thiên ngay cạnh nhà máy xử lý rác thải, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho khu vực xung quanh.

Theo Phú Khởi

Báo Đầu tư

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *