Bất động sản 17/01/2015 07:31

15 ngân hàng có "cứu" nổi gói 30.000 tỷ?

FICA - Để tạo cơ hội cho nhiều đối tượng tiếp cận vay vốn, 10 ngân hàng đã dược xét duyệt tham gia vào gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Như vậy, đã có 15 ngân hàng thương mại tham gia vào chương trình này.

Nhiều giải pháp cho người vay

15 ngân hàng có cứu nổi gói 30.000 tỷ?
Đại diện Ngân hàng nhà nước, Hiệp hội bất động sản và Sở xây dựng trả lời thắc mắc của người dân về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
 

Chiều 15/1, trong buổi tọa đàm “Thị trường bất động sản 2015 nóng với gói hỗ trợ của Chính phủ”, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, đã có 10 ngân hàng gồm Eximbank, Bảo Việt, Saigonbank, PVCombank, TienphongBank, OCB, VPBank, Seabank, NamABank và SHB được xét duyệt cho tham gia vào gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Như vậy thời điểm hiện tại đã có tổng cộng 15 ngân hàng thương mại được tham gia vào chương trình ưu đãi này.

 

Ngoài việc có thêm 10 ngân hàng tham gia cho vay, ông Minh cũng cho biết đã có thêm nhiều giải pháp nhằm giúp cho việc giải ngân trong gói hỗ trợ thị trường bất động sản được đẩy mạnh trong thời gian tới.

 

Trong đó, việc công chứng nhà ở tương lai được chú trọng khi Sở Tư pháp TP.HCM đã chỉ đạo cho các phòng công chứng giải quyết cho người có nhu cầu. Tiếp đến là việc xác nhận thực trạng nhà ở đi vay trong gói 30.000 tỷ, UBND Thành phố đã chỉ đạo cho các quận, huyện, từ đó chỉ đạo các xã phường thực hiện việc này cho người dân.

 

“Với việc thêm cơ chế mới đó là mở rộng đối tượng cho vay,  giảm thêm lãi suất, tăng thời hạn cho vay lên 15 năm, tăng số lượng ngân hàng cho vay… thì việc cho vay trong gói hỗ trợ kỳ vọng sẽ lan tỏa hơn trong thời gian tới” - Ông Minh nhận định.

 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM

 

Tuy nhiên, theo ông Minh hiện nay việc truyền thông để người dân có nhu cầu có thể tiếp cận với gói 30.000 tỷ vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả. Không chỉ người vay mua nhà trong các dự án nhà ở xã hội mới được tham gia vay mà đối tượng cho vay đã được mở rộng hơn rất nhiều nhưng hiện nay nhiều người dân trên địa bàn thành phố chưa biết đến thông tin này.

 

Chẳng hạn, người dân hiện sinh sống tại TP.HCM nhưng chỉ có sổ KT3, không có tài sản thế chế chấp nhưng ông Minh cho biết nếu thuộc đối tượng của chương trình này theo quy định tại Thông tư 07, Thông tư 11 và Thông tư 32, thì người dân có thể vay tiền ngân hàng để mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp mà không cần tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp chính là căn nhà mà người dân sẽ vay để mua (tài sản hình thành trong tương lai).

 

Cũng theo ông Minh, hiện nay mới có 2 doanh nghiệp của TP.HCM là công ty Hoàng Quân và công ty Thủ Thiêm được vay 658 tỷ đồng từ gói tín dụng ưu đãi trong tổng số 11 đơn vị xin vay. Kết quả này là quá ít so với nhu cầu thực của các doanh nghiệp.

 

Thị trường bất động sản năm 2015 có “chuyển mình”?

 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM
Với nhiều chính sách, nhiều ngân hàng cùng tham gia vào gói 30.000 tỷ, liệu thị trường bất động sản 2015 có "chuyển mình"?

 

Với số lượng ngân hàng thương mại tham gia vào gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cùng với nhiều chính sách ưu đãi, hướng dẫn cụ thể đến các đối tượng vay vốn, đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp, chưa có chỗ ở ổn định, liệu năm 2015, thị trường bất động sản có “chuyển mình”?.

 

Về vấn đề này, ông Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) nhìn nhận, mục tiêu của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là nhằm giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường bất động sản (BĐS) và hỗ trợ người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở. Nếu việc giải ngân gói 30.000 tỷ này nhanh hơn và đặc biệt là tập trung cho người mua nhà vay thì đã tạo được tác động rất lớn, rất hiệu quả cho thị trường. Rất tiếc đến nay kết quả giải ngân quá thấp, quá chậm và không đạt như kỳ vọng.

 

“Hiệp hội cho rằng, kết quả giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đến nay mới đạt khoảng hơn 14% là quá thấp, quá chậm và không như kỳ vọng. Chúng tôi cho rằng, nếu vào cuối năm 2014 vừa qua mà giải ngân gói tín dụng đạt lên đến mức 80% - 90% thì mới tạo được “cú hích” cho thị trường BĐS và mới thực hiện được mục tiêu giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở. Do vậy, Hiệp hội liên tục đề xuất Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ngay trong 6 tháng đầu năm 2015, sẽ tạo hiệu ứng tích hơn cho thị trường BĐS” – Ông Châu kiến nghị.

 

Cũng theo ông Châu, trong năm 2014 có sự quay trở lại của các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lớn (chưa đến mức độ coi là nhà đầu cơ) trong phân khúc thị trường BĐS cao cấp. Chính sự có mặt của những nhà đầu tư này là một chỉ dấu cho thấy thị trường BĐS đang trên đà hồi phục. Những nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp là một bộ phận không tách rời của nền kinh tế thị trường, giữ vai trò dự trữ và kết nối để đưa sản phẩm của doanh nghiệp phát triển BĐS đến với người tiêu dùng.

 

Nhiều dự án nằm ở cửa ngõ phía Đông của thành phố đang rơi vào cảnh bỏ hoang, lãng phí
Nhiều dự án nằm ở cửa ngõ phía Đông của thành phố đang rơi vào cảnh bỏ hoang, lãng phí

 

Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là chất lượng nhà ở xã hội có được đảm bảo? Vấn đề này, ông Phan Trường Sơn - Trưởng phòng Phát triển Nhà ở và thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, việc quản lý chất lượng nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại đều đã được quy định tại Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, và các quy định khác của pháp luật có liên quan, cụ thể hiện nay có Nghị định 15/CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng nói chung, trong đó đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, giám sát, quản lý dự án...

 

Hiện nay, đã có nghị định 121 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, ... Trong đó đã quy định cụ thể các nội dung liên quan đến việc các chủ đầu tư thực hiện không đảm bảo các nghĩa vụ đã được Luật định thì sẽ bị xử phạt và khắc phục hậu quả theo quy định.

Trung Kiên
Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *