Bất động sản 21/11/2013 07:17

"Đũa thần" hô biến hơn 40.000 tỷ đồng nợ đọng

Sáng 19/11, trong phiên thảo luận diễn ra tại nghị trường Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết dố nợ đọng xây dựng cơ bản hiện chỉ còn 43.000 tỷ đồng, giảm 50% so với 2 kỳ họp trước.

Tách nợ địa phương ra khỏi nợ chính phủ
 
Tại Kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012), Bộ Tài chính báo cáo nợ xây dựng cơ bản ước vào khoảng hơn 100.000 tỷ đồng, nhưng con số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra chỉ có 85.000 tỷ đồng.
 
“Số liệu nợ khác nhau là do thời điểm thống kê khác nhau. Nợ xây dựng cơ bản không bất biến, như hôm nay cơ quan này thống kê, tổng hợp thì nợ còn từng này, nhưng mấy ngày sau cơ quan khác thống kê thì giảm đi, do trong thời gian giữa 2 lần thống kê, tổng hợp, khối lượng nợ đã được thanh toán một phần”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích.
 
Giải thích tình trạng nợ xây dựng cơ bản những năm trước ở mức quá cao, thậm chí có địa phương như Hà Giang đã rơi vào tình trạng “vỡ nợ” do số nợ xây dựng cơ bản gấp nhiều lần tổng mức đầu tư của ngân sách, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, trong số nợ có khoản nợ nằm trong kế hoạch.
 
Nợ trong kế hoạch, nghĩa là hàng năm, Nhà nước ghi kế hoạch cho các địa phương được xây dựng những công trình nào, tổng mức đầu tư bao nhiêu, nhưng các địa phương thường làm vượt quá khối lượng. Thậm chí, có địa phương sẵn sàng cho doanh nghiệp ứng trước vốn thi công vượt quá khối lượng rất lớn so với tiến độ nên Ngân sách Trung ương không có tiền thanh toán dẫn đến nợ nần.
 
“Số nợ được tại các công trình, dự án đã ghi kế hoạch thì Nhà nước chịu trách nhiệm. Còn nếu không nằm trong kế hoạch mà địa phương tự đầu tư thì địa phương nào đầu tư thì ngân sách địa phương đó phải chịu trách nhiệm bố trí vốn để trả nợ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
 
Chỉ sau một năm xử lý, như khẳng định của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nợ xây dựng cơ bản đã giảm được khoảng 50%, từ 85.000 tỷ đồng xuống chỉ còn 43.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại. Như vậy, khối nợ còn lại các địa phương phải chịu trách nhiệm xử lý.
 
“Đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhất là sau Chỉ thị 1792 ban hành cuối năm 2011”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nói.
 
Nội dung Chỉ thị 1792 yêu cầu các cấp có thẩm quyền không được ký duyệt dự án khi không cân đối được nguồn vốn và phải chịu trách nhiệm về việc này. 
 
Nhiều công trình chậm tiến độ vì nợ đọng xây dựng cơ bản. Hiện, số nợ đọng xây dựng cơ bản còn 43.000 tỷ đồng.
Nhiều công trình chậm tiến độ vì nợ đọng xây dựng cơ bản. Hiện, số nợ đọng xây dựng cơ bản còn 43.000 tỷ đồng.
 
Bộ trưởng Vinh cũng cho biết, đối với các khoản nợ trong kế hoạch Nhà nước, những năm trước đây chúng ta giao kế hoạch cho các địa phương, bộ, ngành với số lượng vốn nhất định tương ứng với từng công trình. Nhưng thường bị làm vượt mức (do doanh nghiệp ứng trước vốn) dẫn tới nợ đọng, không có tiền thanh toán. 
 
Loại nợ này được tính trong nợ của các công trình trong kế hoạch thì Nhà nước chịu trách nhiệm về các dự án Trung ương đưa vào kế hoạch. Loại nợ thứ hai thuộc ngân sách địa phương tự bố trí, địa phương có nghĩa vụ trả nợ. Trong “Báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội bao gồm cả hai loại nợ này”, Bộ trưởng giải thích thêm.
 
Gánh nặng nợ công, nợ xấu
 
Trước đó, vào tháng 9/2013, Bộ Tài chính đã ra công bố con số nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản trên 63 địa phương hơn 91.000 tỷ đồng. Đặc biệt có 15/63 địa phương nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở mức trên 100% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Cùng với số liệu này là con số các doanh nghiệp phá sản, biến mất trên thị trường ngày càng tăng.
 
Tuy nhiên, TS Trần Đình Thiên -  Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tỏ ra hoài nghi về những con số này. "Chắc chắn các con số đó còn rất xa thực tế. Song nó cũng đủ để cho thấy mức độ khổng lồ của nguồn lực quốc gia đang bị lãng phí" - TS Thiên nói.
 
Nợ xây dựng cơ bản, tồn kho không chỉ khiến nhiều DN khốn đốn mà còn khiến nợ xấu không giải quyết được, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Về vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, TS.Trần Đình Thiên cho rằng: “Đang có nhiều DN chết hoặc chờ chết vì không thu được món nợ này”.
 
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước, 91.000 tỷ này đã được tính vào nợ công của mình. So với nợ công không phải nhiều nhưng nó nguy hiểm ở chỗ nó không có khả năng thanh khoản mà nó lại rơi đúng vào các đơn vị sản xuất kinh doanh.
 
“Mà đơn vị sản xuất kinh doanh thì khả năng vốn tự có ít, phải đi vay tiền ngân hàng để làm. Đấy là cái rất nguy hiểm, doanh nghiệp sẽ bị thua thiệt”, ông Kiêm nói.
 
Quan điểm của TS Lê Đăng Doanh cho rằng, con số 91.000 tỷ cho thấy số vốn bị chôn vào các công trình là rất lớn, đó là điều rất đáng lo ngại. Vốn chôn chết vào các công trình thì đồng vốn không quay vòng được, doanh nghiệp phá sản dẫn đến nền kinh tế trì trệ, kém hiệu quả.
 
“Qua đó mới thấy rõ, quy trình đầu tư xây dựng cơ bản của các địa phương có quá nhiều rủi ro. Quyết định đầu tư xây dựng cơ bản với mức độ lớn mà không cân đối được nguồn vốn là nguy hiểm”, TS Lê Đăng Doanh nói.
 
TS Lê Đăng Doanh lấy ví dụ ở Đà Nẵng, rất nhiều công trình bị bỏ dở, không thể làm tiếp do thất thu tiền bán đất, bán BĐS nên họ gặp phải khó khăn lớn. 
 
“Tất nhiên, cũng chưa thể đánh giá nguyên nhân là vì các địa phương năng động hay vì chạy đua theo thành tích chủ nghĩa nhưng rõ ràng cần phải có phương án giải cứu cho các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng "đóng băng" như hiện nay”, ông nói.
 
Theo Hà Oanh
ĐVO
Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *