Bất động sản 17/11/2013 20:26

"BĐS bắt buộc phải giảm giá để tìm lại giá trị thực"

FICA - Bộ trưởng Xây dựng cũng cho rằng, nhà đầu tư cũng phải giảm giá để tăng giao dịch sản phẩm bất động sản, trong đó, tiết giảm chi phí không cần thiết, đặc biệt là vật liệu cao cấp được thay thế bằng vật liệu trong nước...

Nhận định về thị trường bất động sản, trong chuyên mục Dân hỏi-Bộ trưởng, ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, thị trường bất động sản sau một thời gian đóng băng, thì năm 2013, đặc biệt những tháng gần đây, đã có những chuyển động rất tích cực, giao dịch tăng lên, đặc biệt phân khúc nhà ở có quy mô trung bình và quy mô nhỏ, giá thấp, nguồn cung thiếu so với cầu.

"Tuy nhiên, thị trường bất động sản còn rất khó khăn do khả năng của nền kinh tế chúng ta còn khó khăn. Giá bất động sản thời gian qua giảm mạnh, do giá thời kỳ bất động sản nóng là giá ảo, cho nên thời kỳ này bắt buộc phải giảm giá đối với sản phẩm bất động sản để trả lại giá trị thực của bất động sản. Đồng thời, nhà đầu tư cũng phải giảm giá để tăng giao dịch sản phẩm bất động sản, trong đó, tiết giảm chi phí không cần thiết, đặc biệt là vật liệu cao cấp được thay thế bằng vật liệu trong nước...", Bộ trưởng nói.

Về triển vọng thị trường, Bộ trưởng lạc quan cho rằng: "Trong thời gian tới chắc chắn bất động sản được giao dịch tốt hơn, do giá bất động sản ngày càng phù hợp hơn với khả năng mua của người dân. Và chắc chắn thị trường bất động sản từng bước được hồi phục".

Lý giải về việc chậm giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng cho rằng, muốn giải ngân nhanh gói này, phải có nguồn cung lớn hoặc nhiều nhà ở dưới 15 triệu/m2, dưới 70 m2 trong khi nhu cầu của người dân rất lớn. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện nay cần hơn 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội nhưng hiện nay cung nhà ở xã hội không thể nhanh được vì chiến lược nhà ở của chúng ta mới thực hiện và việc phát triển nhà ở xã hội là quá trình dài hạn chứ không thể ngắn hạn.

Theo thông tin tổng hợp từ Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 30/9, tổng số tiền mà ngân hàng thương mại giải ngân cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp theo chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở là 197,3 tỷ đồng.


Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, hiện nay nguồn cung nhà ở xã hội không thể nhanh được vì chiến lược nhà ở của chúng ta mới thực hiện và việc phát triển nhà ở xã hội là quá trình dài hạn chứ không thể ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các doanh nghiệp không mặn mà, do lợi nhuận của nhà ở xã hội thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại.

Còn về các thủ tục, yêu cầu để giải ngân gói 30.000 tỷ đồng này trước nhiều ý kiến cho rằng quá rắc rối và gây khó cho người vay, Bộ trưởng khẳng định đây là quy định bắt buộc. Vì nếu không làm chặt, sai đối tượng dễ dẫn đến lợi dụng, làm thất thoát cho Nhà nước, dư luận không đồng tình nhưng không phải vì làm chặt mà chậm tiến độ.

"Tôi rất đồng tình, những ai có nhu cầu mua nhà thì phải được hỗ trợ trong gói 30.000 tỷ này. Đây là trách nhiệm không chỉ riêng Bộ Xây dựng, các địa phương mà cả các ngân hàng phải vào cuộc để đẩy nhanh tốc độ giải ngân", ông chia sẻ.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *